Thảm bại Phú Bình, mất Thiểm giữ Thục Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Cao Tông hỏi đại kế, Trương Tuấn xin đặt Mạc phủ ở Tần Xuyên, sai Hàn Thế Trung trấn Hoài Đông, lệnh Lữ Di Hạo đến giúp Vũ Xương, còn Trương Tuấn, Lưu Quang Thế đầu đuôi giữ Tần Xuyên. Bàn bạc xong, ông lên đường, chưa đến Vũ Xương, thì Di Hạo đòi thay đổi kế hoạch. Trương Tuấn đã đến Hưng Nguyên, người Kim chiếm Phu Duyên [5] tướng địch là Lâu Túc Bột Cận đưa đại quân vượt sông Vị, đánh Vĩnh Hưng [6], các tướng Tống không đến cứu. Ông lập tức đi Quan Thiểm, hỏi thăm phong tục, bài trừ tệ nạn, kêu gọi hào kiệt ra sức vì nước, các tướng kính sợ mà nghe lệnh.

Gặp lúc có tin báo người Kim sắp đánh đông nam, Trương Tuấn mệnh cho chư tướng chỉnh quân đón địch. Không lâu sau người Kim đánh Giang, Hoài, Trương Tuấn lập tức đưa quân về cứu viện. Đến được Phòng Châu, biết người Kim đã quay lại phương bắc, ông lui quân về Quan Thiểm. Bấy giờ Ngột Truật vẫn còn ở Hoài Tây, Trương Tuấn sợ ông ta tiếp tục quấy nhiễu đông nam, muốn khống chế việc ấy, bèn quyết định hợp quân 5 lộ đánh phá Vĩnh Hưng, nhằm đánh động quân Kim. Quả nhiên nhà Kim gấp điều bọn Ngột Truật, Hoàn Nhan Lâu Thất, Hoàn Nhan Tông Phụ đến cứu, đôi bên đại chiến ở Phú Bình. 5 lộ quân Tống đại bại, Trương Tuấn lui về Hưng Châu [7], rồi lui về Lãng Châu [8]; kết tội thua trận mà biếm Lưu Tích, chém Triệu Triết; cắt đặt bọn Ngô Giới tổ chức phòng ngự, rồi dâng thư xin nhận tội. Tống Cao Tông tự tay viết chiếu thư xá miễn, không hề truy cứu.

Năm Thiệu Hưng đầu tiên (1131), anh em Ngô Giới, Ngô Lân đánh bại Kim soái Ngột Truật xâm phạm Hòa Thượng Nguyên. Năm sau, triều đình bái Trương Tuấn làm Kiểm hiệu thiểu bảo, Định Quốc quân Tiết độ sứ. Ông ở Quan Thiểm 3 năm, huấn luyện tân binh, đủ sức chống lại kẻ địch ngày một bành trướng; cất nhắc các tướng giỏi là Lưu Tử Vũ (cha của Lưu Tích, Lưu Kĩ), Triệu Khai, Ngô Giới. Tuy nhà Tống đã mất Quan Thiểm, nhưng vẫn giữ vững được đất Thục.

Liên quan